Đón nhận Mùa xuân nhớ Bác

Gia đình nhà thơ

Người thân trong gia đình khi đó trách móc "đi học thì lo học, thơ văn làm gì chỉ tổ sinh chuyện".[4] Sau này, Nguyễn Phạm Thiên Thu—con gái thứ hai của Phạm Thị Xuân Khải—gửi thư điện tử từ Đức nói "nhiều khi con tự hỏi nếu con ở vị trí má thì có làm được như má không? Con không biết bao giờ mới có được bản lĩnh như má".[15]

Xã hội

Đoàn Minh Tuấn—một người bán báo—cho biết ngày 25 tháng 3 năm 1986, khách tranh nhau mua báo Tiền Phong bất chấp giá từ 4 đồng lên đến tận 120 đồng, mục đích chỉ để đọc được bài thơ "Mùa xuân nhớ Bác". Nhiều người trong nước sẵn sàng bỏ ra vài tháng lương để mua được tờ báo đăng bài thơ, người dân Hải Dương và Hải Phòng cùng với những vùng lân cận có phong trào chép tay bài thơ.[17] Ngoài sự ủng hộ–khen ngợi từ đông đảo độc giả về tinh thần dũng cảm của báo Tiền Phong và tác giả,[13][18] sự phản đối giận dữ ở một số nơi và từ một số người với những cáo buộc về "bôi xấu chế độ".[13][19] Không ít người đã đến Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội để xin lý lịch Phạm Thị Xuân Khải.[3] Mấy nhóm người khác nhau đến rủ Phạm Thị Xuân Khải vượt biên với lý lẽ “tránh tai họa bị trù dập đối với tác giả” nhưng nữ sinh viên từ chối.[4] Thành đoàn Hà Nội chỉ thị đoàn thanh niên Nhà máy dệt 8-3 xóa ngay bài thơ viết trên bảng đen, một thông báo ngăn không cho các nơi tổ chức hội thảo.[15]

Từ ngày 26 tháng 3 đến ngày 20 tháng 4 năm 1986 (26 ngày sau khi bài thơ phát hành), 100 trong tổng số 116 thư và thơ viết tay ủng hộ (chiếm 88%), ba thư tố cáo thêm tiêu cực tại địa phương, 8 thư muốn điều chỉnh hoặc chưa đồng tình, chỉ có 8 ý kiến cáo buộc bài thơ có ý đồ xấu (chiếm 6%).[18] Do máy photocopy còn hiếm và máy đánh chữ rất phổ biến, báo Tiền Phong bán cháy hàng trở thành hiện tượng hiếm trong làng báo khi đó, nhiều người đọc chấp nhận mua lại bài viết với giá cao hoặc chép tay học thuộc.[8][13] Các công chức đương nhiệm, cán bộ nghỉ hưu, công nhân xí nghiệp, bộ đội, sinh viên, học sinh phổ thông đều quan tâm đến bài thơ.[8] Sau khi bài thơ được đăng báo, nhiều người từ nông thôn–miền núi–vùng mỏ đến ký túc xá Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội thăm Phạm Thị Xuân Khải, thậm chí có người vừa gặp mặt đã khóc, hầu hết họ chia sẻ bị hàm oan–trù dập hoặc “ngao ngán thế sự”. Một lần nhập bệnh viện E do ốm, được nguyên Chính ủy Trung đoàn tăng thiết giáp Quân khu 5 (tên Xương) nhận ra, các bác sĩ khoa Nghề nghiệp–Bệnh viện E chăm sóc tận tình, nhiều người đọc đến thăm òa khóc khi gặp mặt.[20] Một số cán bộ cấp cao về hưu nói "những nỗi bức xúc thực trạng đạo đức cán bộ lãnh đạo lúc ấy, tác giả bài thơ phải kêu tới vong linh Bác Hồ để “Làm ánh mặt trời xua tan hết mây – Trừ thói đời làm dân oán trách”, nay vẫn đang là chuyện “thời sự nóng” trong bối cảnh quốc nạn tham nhũng".[21] Ngày 3 tháng 4 năm 2006, tiến sĩ kiêm phó Vụ trưởng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Đạt Lai đã gửi một bài thơ có tựa đề "Tâm sự tuổi thanh xuân" trên báo Tiền Phong để tri ân đến Phạm Thị Xuân Khải.[22]

Truyền thông

Tiền Phong nhận xét "bài thơ hàm chứa nhiều nội dung gai góc trong thời kỳ đất nước bước vào giai đoạn tiền Đổi Mới, được ví như “quả bom” nổ giữa lòng Hà Nội và xung chấn của nó lan toả khắp cả nước".[13] Một người đọc gửi đến báo Tuổi Trẻ bài thơ "Mùa xuân nhớ Bác" của Phạm Thị Xuân Khải, Tuổi Trẻ bình luận "hôm nay có thêm bạn trẻ như Xuân Khải “day dứt vì mình chưa làm được những điều hằng ước mơ”. Cái day dứt ấy đáng quý biết bao. Mùa xuân vẫn luôn là mùa của mơ ước, và tuổi trẻ là tuổi để thực hiện mơ ước."[23] Các tờ báo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã mở mục phê bình và tự phê bình trong Đảng Cộng sản Việt Nam, trong cơ quan nhà nước.[20] Nguyễn Khắc Phê trên Tiền Phong cho rằng bài thơ nêu những tiêu cực ai cũng thấy và lập tức được hàng ngàn độc giả hưởng ứng là vì "người dân chưa ý thức được quyền dân chủ, quyền tự do ngôn luận đã được Hiến pháp quy định, hoặc vì sợ hãi một thế lực nào đó nên không dám bày tỏ chính kiến, hoặc cũng có thể người dân đã nêu ý kiến nhưng các tòa báo sợ mang vạ nên không dám đăng."[24] Hà Nguyễn trên báo Đầu tư bộc bạch "khi đã có Nguyễn Văn Linh, có "Mùa Xuân nhớ Bác" thì không khí Đổi Mới đã hừng hực lắm rồi. Đâu đâu người ta cũng nói về chuyện nói thẳng, nói thật. Đến nỗi, lũ trẻ chúng tôi, nào đã biết gì, vậy mà cũng truyền tay nhau những tờ báo đã mềm oặt, xỉn màu vì quá cũ để đọc bài thơ của Phạm Thị Xuân Khải."[25] Nguyễn Sĩ Đại trên báo Nhân Dân miêu tả bài thơ "như một vụ nổ, châm ngòi cho những “vụ nổ” khác, phá tan sự im lặng vì rụt rè, sợ hãi và bế tắc về tư tưởng lúc đó".[26] Nguyễn Khắc Phê trên tập san Đại học Huế cho rằng bài thơ phản ánh thực trạng "trì trệ của cơ chế cùng những tệ nạn trái hẳn với tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh đã gây bức xúc cho toàn dân; nói cách khác, Đổi Mới là sự đòi hỏi khẩn thiết của thực tế cuộc sống, chứ không phải là sự “bất mãn” hay thói “xoi móc” của nhà văn, nhà báo hay của Tổng biên tập nào, càng không phải là do “kẻ địch” xúi giục “nói xấu chế độ”!".[27]

Chính khách

Bí thư Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn LinhChủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Kiệt ra Hà Nội công tác và tìm mua báo Tiền Phong để đọc bài thơ. Phạm Thị Xuân Khải biếu một tờ báo khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp hỏi xin, một người bạn của cô ngỏ ý xin một tờ báo để tặng cho một Viện sĩ khoa học người Nga [đang công tác tại Việt Nam] hứng thú tìm hiểu.[8][10] Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Đức Thọ nhiều lần làm việc với Phạm Thị Xuân Khải và Tổng Biên tập báo Tiền Phong Đinh Văn Nam, Lưu Văn Lợi—thư ký dưới quyền Lê Đức Thọ—cũng thường xuyên gặp–truyền đạt ý kiến chỉ đạo.[10][11] Sau khi nhận được trên 3.000 lá thư do người đọc gửi đến, Phạm Thị Xuân Khải gửi những bức thư đó đến lãnh đạo Trung ương để nắm bắt công luận và chuẩn bị cho Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam VI.[20] Một số Bí thư Tỉnh ủy gọi điện thoại đến Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam với thái độ gay gắt khi cho rằng báo Tiền Phong đăng bài thơ này sẽ “dễ gây kích động”.[11][13] Lê Đức Thọ khuyên Phạm Thị Xuân Khải rằng "cháu ra trường đừng về Nghĩa Bình vội, để tình hình lắng xuống đã".[4] Một số Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam thời điểm đó nổi giận, trong khi cũng có không ít lãnh đạo lên tiếng ủng hộ.[6] Một vị tướng thuộc Công an nhân dân Việt Nam tiết lộ cho Lê Văn Ba biết rằng có đề nghị bắt giữ tác giả bài thơ và nhóm nhà báo của Tiền Phong.[14]

Cháu Xuân Khải thân mến

Bác đã nhận được bức thư tâm sự của cháu.
Bức thư đó làm cho Bác hiểu cháu nhiều, từ đó Bác có mấy gợi ý với cháu: Việc gì đã qua và có thể cho qua được thì nên cho qua để làm những việc cần làm: Đối với cháu là học và hoạt động trong hoàn cảnh người sinh viên. Bác khuyên cháu tập trung thì giờ học tốt ngành văn, sau này không bao giờ cháu có thì giờ và cơ hội như bây giờ để học và học tốt, điều chủ yếu là đọc nhiều và suy nghĩ nhiều, cháu cần đọc hết (!) những tác phẩm lớn của nước ta và những tác phẩm lớn nhất của văn học thế giới.

Chúc cháu khỏe, khỏe về cơ thể và tinh thần.

—Nguyên văn bức thư phúc đáp mà Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi nữ sinh Xuân Khải.[3]

Nhiều giáo sư, tiến sĩ nghiên cứu về chính trị–triết học cùng với cán bộ cao cấp ở một số cơ quan Trung ương và Hà Nội đến phòng ký túc xá thể hiện quan điểm không tán thành hoặc phản đối gay gắt nội dung bài thơ. Tại phòng ký túc xá, nhiều cáo buộc phản động, chống Đảng Cộng sản Việt Nam, chống chủ nghĩa xã hội, cấu kết lật đổ; thậm chí có người đòi treo cổ tác giả. Một lãnh đạo tỉnh Nghĩa Bình tại cuộc họp ở Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh đập bàn quát "Ai nuôi nó đi học? Đi học để làm gì? Đi học như thế chỉ uổng cơm của nhân dân!". Một chính khách Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh gọi điện chúc mừng Nghĩa Bình có người con dũng cảm, một người ở tỉnh đáp lại "đấy là chuyện của cá nhân cô ấy". Ngược lại, các lão thành cách mạng và công chức tỉnh Nghĩa Bình ủng hộ, tự hào.[2] Một chính khách từ Nghĩa Bình ra Hà Nội công tác, khi gặp Xuân Khải thì nói "người ta đang “dọn tiệc” chờ chị ở quê đấy".[4] Ngày 16 tháng 7 năm 1986, Võ Nguyên Giáp khi đó khuyên bảo "dù trong hoàn cảnh nào, khó khăn đến mấy cháu cũng cần học cho tốt nhé. Khó khăn thì nhờ thầy bạn giúp đỡ, nói với các bác giúp đỡ, giữ sức khỏe, giữ tinh thần tốt. Không nên lo lắng quá và nhất định không được bỏ học giữa chừng, “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” cháu ạ".[5][6] Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi tin nhắn "Trung ương thấu rồi và đang sửa" đến Phạm Thị Xuân Khải thông qua trợ lý. Xuân Khải hồi đáp lại bằng một bức thư dài, Phạm Văn Đồng gửi một bức thư phúc đáp.[3]

Sau này, cựu Thủ tướng Phạm Văn Đồng gặp lại Phạm Thị Xuân Khải và nói "Bài thơ cháu viết rất hay. Cháu thấy không, như vậy là có Đổi Mới rồi, như vậy là Trung ương thấu rồi, sửa rồi. Bây giờ cháu còn viết được bài nào nữa không?".[3] Tiếp đón Phạm Thị Xuân Khải vào ngày 7 tháng 6 năm 2006, cựu Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Khả Phiêu nói "Bài thơ nói thẳng, nói thật như thế chắc lúc báo đăng chị phải chịu nhiều sức ép, phải thua thiệt nhiều, những việc này báo đăng nhưng chắc cũng chưa hết? Đảng phải sửa, phải có cơ chế, có biện pháp để sửa chữa để thực sự là đạo đức, là văn minh như Bác Hồ mong muốn. Bác Tô [cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng] đã nói với chị rằng Trung ương đã thấu và Trung ương sẽ sửa. Nhưng bây giờ việc này vẫn còn phải sửa, bởi vì nhiều người trẻ tuổi, được đào tạo nhưng nhiều khi vẫn chưa được tuyển dụng, chưa tạo điều kiện để họ phát huy sáng tạo, xây dựng cuộc sống cho bản thân và cống hiến cho đất nước".[28]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Mùa xuân nhớ Bác http://nguoilambao.vn/upload_images/files/Tap-chi-... https://web.archive.org/web/20131011004605/https:/... https://web.archive.org/web/20160502084249/https:/... https://web.archive.org/web/20160908032949/https:/... https://web.archive.org/web/20170816164600/https:/... https://web.archive.org/web/20200703204137/https:/... https://web.archive.org/web/20200704141220/https:/... https://web.archive.org/web/20200716014541/https:/... https://web.archive.org/web/20200716015142/https:/... https://web.archive.org/web/20200716015334/https:/...